Mô hình nấm mục nhỉ Vân Kiên "sản phẩm OCOP 3 sao Thanh Hoá"
Mồ côi mẹ từ lúc 5 tuổi, lại là em út trong gia đình có 5 anh chị em, nên anh Nguyễn Văn Vân không có điều kiện học hành nhiều như các bạn cùng trang lứa. Gia cảnh khó khăn, không đủ cơm ăn áo mặc, người thiếu niên quê xã Thọ Vực phải nghỉ học khi mới hết lớp 7, sau đó vào miền Nam làm thuê vào năm 1988. Tại TP Hồ Chí Minh, thanh niên Nguyễn Văn Vân đã làm nhiều việc khi có người thuê, rồi kinh qua sửa xe đạp, sửa khóa, cắt tóc... để mưu sinh. Đến năm 1990, khi có người quen giới thiệu, anh về làm tại một cơ sở sản xuất nấm ở huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Dường như hoàn cảnh gian khó đã hun đúc cho anh ý chí tự lực, tự cường để vươn lên thoát nghèo. Những năm tháng ở đây chính là điều kiện để anh tích lũy kinh nghiệm và nung nấu ý định trở về quê làm giàu từ nghề trồng nấm. “Tôi thấy quê mình có rất nhiều nguyên liệu như rơm rạ, mùn cưa, củi và gỗ thừa... đều có thể sản xuất nấm nên tôi luôn nghĩ đến việc khơi dậy tiềm năng ở quê hương" – anh Vân chia sẻ.
Đến năm 2002, anh quyết định khăn gói hồi hương để tìm con đường khởi nghiệp riêng của mình. Tự sản xuất giá thể, nhưng phôi giống nấm vẫn phải lặn lội vào tỉnh Đồng Nai để nhập về. Do chênh lệch nhiệt độ và môi trường sống khác nhau, nên những lứa nấm đầu tiên bị bệnh nấm mốc khiến nguồn vốn dành dụm đầu tư vơi dần. Sau 2 năm mày mò nghiên cứu, anh đã chủ động sản xuất được phôi giống và bắt đầu có những lứa nấm thành công. Khi xây dựng xưởng để mở rộng sản xuất, tình trạng thiếu vốn đầu tư như thách thức ý chí người thanh niên trẻ. Hết vay anh em họ hàng, rồi tìm cách vay ngân hàng, với tổng số nợ luôn dao động từ 200 đến 300 triệu đồng vào thời điểm bấy giờ khiến nhiều người ái ngại. Tôi phải vay chỗ nọ, trả chỗ kia, liên tục xoay vòng. Họ hàng rồi gia đình tôi đều phản đối và khuyên nên dừng lại bởi nếu thất bại sẽ vỡ nợ, thậm chí ngồi tù, nhưng tôi vẫn quyết tâm. Thế nhưng, hoàn cảnh lại trớ trêu khi tôi xây dựng trại nấm quy mô ở cánh đồng Bản Trại, nhưng cơn bão lớn vào năm 2005 đã đánh tan cơ sở sản xuất, toàn bộ tài sản và vốn liếng đầu tư coi như mất trắng. Sau đó tôi lại tiếp tục cầm cố đất, vay cả lãi ngoài để làm lại từ đầu.
Từng bước vượt qua những khó khăn, thử thách, anh đã gây dựng cơ sở sản xuất ngày càng lớn mạnh. Những năm gần đây, mô hình sản xuất này đều cho doanh thu cả tỷ đồng mỗi năm, lợi nhuận từ 200 đến 300 triệu đồng/năm. Mùa nào thức ấy, anh Vân luân canh nhiều loại như nấm sò, nấm mỡ, nấm hoàng đế hay mộc nhĩ... cho phù hợp với điều kiện nhiệt độ môi trường. Tự đúc rút kinh nghiệm và học tập thêm trên mạng Internet, anh đã nắm bắt hoàn toàn kỹ thuật trồng các loại nấm nên hơn chục năm gần đây, chưa có lứa nấm nào bị hỏng hay thất bại. Thời điểm nhiều, có ngày vợ chồng anh thu hái cả tạ các loại nấm và mộc nhĩ, lúc ít cũng hàng chục kg mỗi ngày.
Hiện nay, ngoài 3 lao động thường xuyên trong gia đình, chủ cơ sở sản xuất nấm này đều thuê từ 5 đến 10 lao động thời vụ mỗi khi đóng phôi nấm, với thu nhập từ 170 đến 250 nghìn đồng/ngày công lao động. Theo kinh nghiệm, vào mùa đông giá lạnh, anh thiên về nuôi trồng mộc nhĩ, nhưng mùa thu và xuân thì chủ yếu phát triển các loại nấm. Không giữ kinh nghiệm cho riêng mình, anh Vân sẵn sàng chia sẻ cho những người đi sau với quan điểm phải liên kết để cùng nhau phát triển. Anh cho biết: “Chỉ tính riêng tại huyện Triệu Sơn, tôi đã và đang giúp nhiều người hình thành các mô hình trồng nấm, như anh Giáp ở xã Hợp Thắng; anh Sơn, anh Hòa và anh Bình ở xã Vân Sơn; anh Hùng ở xã Thọ Ngọc; anh Hiệp ở xã Xuân Lộc. Ở các xã Triệu Thành và Thọ Thế, cũng có những mô hình trồng nấm thành công sau khi đến học tập và được tôi chia sẻ kinh nghiệm”.
Tham gia vào hiệp hội của những người trồng nấm trong cả nước nên anh dễ dàng liên hệ đầu ra bền vững cho sản phẩm nấm của mình đến tận các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương và trong tỉnh. Những thành công cũng giúp vợ chồng anh có điều kiện kinh tế để nuôi 2 người con trai tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Hiện người con thứ 2 sinh năm 1996 đã tốt nghiệp, mang theo những kiến thức trồng trọt trở về quê giúp gia đình tiếp tục phát triển nghiệp trồng nấm theo chiều sâu, áp dụng thêm nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất.
Trở thành điển hình phát triển kinh tế của xã Thọ Vực, địa phương đã vận động chủ hộ triển khai hồ sơ, tham gia xét chọn để sản phẩm với tên thương mại nấm Vân Kiên thành sản phẩm OCOP. Khi được hỏi về những thành công từ mô hình, người đàn ông tuổi ngũ tuần luôn tỏ ra khiêm tốn, chỉ cho rằng “với hành trình khởi nghiệp gian nan, tôi không dám nghĩ rằng lại được như ngày hôm nay”.
Đức Cảnh
- Mô hình nấm mục nhỉ Vân Kiên "sản phẩm OCOP 3 sao Thanh Hoá"
- Nước Tương Bà Chuyên (Sản phẩm ocop 3 sao tỉnh Thanh Hoá)
- Xã Thọ vực tích cực vận động nhân dân sản xuất vụ đông 2022-2023
- Xã Thọ Vực tổ chức ra quân nạo vét kênh mương trước mùa mưa bão năm 2022
- Nâng cao hiệu quả phát triển thương mại điện tử
- UBND huyện tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác vận chuyển, giết mổ, kinh doanh, tiêu thụ thịt lợn trên địa bàn huyện.
- Hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 18/8/2016 của BCH Đảng bộ tỉnh
- Hội thảo chuyên đề giới thiệu việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, phân bón thế hệ mới, công nghệ Nano
- Mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” đạt hiệu quả cao
Công khai kết quả giải quyết TTHC
ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH
02373.742.289